Nghe có vẻ lạ nhưng trong giai đoạn đầu mùa giải, không phải toàn đội Man Utd thay đổi để phù hợp với lối chơi của HLV Erik Ten Hag mà điều ngược lại đã xảy ra. HLV người Hà Lan đang tự điều chỉnh để hợp với Quỷ đỏ.
HLV Erik Ten Hag được biết đến với lối chơi bóng ngắn, dựa trên sự phát triển bóng từ tuyến sau. Về cơ bản, lối chơi này có nhiều điểm tương đồng với Pep Guardiola ở Man City. Thế nhưng, M.U không phải là Man City. Họ không dễ “nuốt” những điều quá phức tạp trong chiến thuật của Ten Hag.
Thực tế, trước Ten Hag, Ralf Rangnick đã vỡ mộng khi cố gắng “nhồi nhét” lối chơi Gegen-pressing vào tập thể ấy. Cho tới ngày rời khỏi Old Trafford, HLV người Đức cay đắng thốt lên: “M.U không phù hợp với lối chơi mà tôi xây dựng”. Thế nhưng, Ten Hag hơn người tiền nhiệm ở chỗ, ông biết cách thay đổi để phù hợp với M.U. Tại sao lại nói như vậy? Trong hai trận đấu đầu tiên ở mùa này gặp Brighton và Brentford, ông đã bê nguyên lối chơi tại Ajax vào M.U. Nhưng hình hài của Quỷ đỏ không thể đáp ứng được linh hồn ấy. Hệ quả, họ đã nếm trải dư vị đắng ngắt của sự chắp vá.
Mọi thứ đã thay đổi trong 4 trận đấu tiếp theo gặp Liverpool, Southampton, Leicester, Arsenal. M.U đã có những chiến thắng mà không mang quá nhiều “chất” của Ten Hag. Họ kiểm soát bóng ít hơn, thực hiện ít đường chuyền hơn và chuyền dài nhiều hơn. Nó giống như cách mà Quỷ đỏ vẫn chơi trong giai đoạn trước.
Những con số không biết nói dối. Thống kê chỉ ra rằng, trong hai trận đấu gặp Brighton và Brentford, M.U kiểm soát trung bình 64,8%, thực hiện 536 đường chuyền mỗi trận và chỉ có tỷ lệ chuyền dài 8,4%. Trong 4 chiến thắng tiếp theo, đội bóng thành Manchester chỉ còn kiểm soát trung bình 41,7%, thực hiện 375 đường chuyền (giảm 30%), còn tỷ lệ chuyền dài tăng vọt lên 16,3% (tăng gấp đôi).
HLV Ten Hag đã thích nghi khá tốt với cuộc sống mới tại M.U
Hơn ai hết, Ten Hag hiểu rằng tập thể M.U chưa sẵn sàng cho lối chơi kiểm soát bóng và thực hiện nhiều đường chuyền, ngay cả khi họ sở hữu nhạc trưởng Christian Eriksen. Điều đáng nói, ngay cả trước đối thủ yếu hơn rất nhiều là Southampton, họ cũng thi đấu thực dụng như vậy.
Sự thay đổi cũng tới từ hàng thủ. Ten Hag tạm thời vứt bỏ triết lý của mình để hướng tới lối chơi an toàn hơn. Minh chứng rõ nhất nằm ở cách xử lý của thủ thành David De Gea. Trong hai trận đấu đầu tiên, người gác đền này được khuyến khích phát triển bóng từ tuyến dưới. Tỷ lệ đường chuyền dài của anh chỉ đạt 38,5%. Tuy nhiên, tới 4 trận đấu gần đây, tỷ lệ đường chuyển dài của De Gea đã nhảy lên tới 73%. Đặc biệt, trong trận đấu với Liverpool, 30/31 đường chuyền của thủ thành sinh năm 1990 là những đường phát bóng lên.
Câu chuyện tương tự cũng tới với cặp trung vệ Lisandro Martinez và Raphael Varane. Họ được khuyến khích phất dài lên, thay vì chuyền ngắn. Tỷ lệ chuyền dài của Martinez ở hai trận đầu tiên chỉ là 9,1%, con số ấy được nâng lên 20,6% ở 4 trận tiếp theo. Thống kê này của Varane là 8,0% và 15,1%.
Cần lưu ý rằng, Varane còn không được khuyến khích chuyền quá nhiều (bởi Martinez có khả năng chuyền tốt hơn) trong các trận đấu lớn. Anh chỉ có lần lượt 20 và 13 đường chuyền trong các trận gặp Arsenal và Liverpool. Ngay cả Martinez cũng bị hạn chế tối đa những pha chuyền bóng mạo hiểm.
Nhưng tất nhiên, về lâu dài, M.U sẽ không hướng tới lối chơi như hiện tại. Sự thay đổi của Ten Hag chỉ tới trong ngắn hạn, khi ông cần thành tích tốt để giảm áp lực. Ông thầy người Hà Lan cần thêm thời gian để Quỷ đỏ thấm nhuần lối chơi kiểm soát bóng, chuyền ngắn. Thậm chí, đừng ngạc nhiên nếu như M.U chưa thể thay đổi trong mùa giải này. Hơn ai hết, Ten Hag cần chiêu mộ tân binh, phù hợp với triết lý của mình. Còn giờ đây, ông vẫn nghiêng theo hướng “tới đâu lo tới đó”.
PAUL SCHOLES: “Ten Hag đã thay đổi nhiều sau thảm bại trước Brentford”
Cựu danh thủ của M.U, Paul Scholes chia sẻ: “Ten Hag đã thay đổi nhiều kể từ sau trận thua trước Brentford. Với M.U, tốt nhất là đừng chơi bóng ở phía sau, mà hãy đưa bóng thật nhanh cho cầu thủ giỏi nhất. Ông ấy đã đưa Christian Eriksen vào trung tâm để làm nhiệm vụ phân phối bóng”.